VÒNG LẬP CỦA SỰ THỐNG KHỔ
Cái nghèo thật sự đáng sợ, nó giết chết những giấc mơ vẫn đang dang dở, dập tắt hy vọng của những ước nguyện, hoài bão còn chưa kịp thành hình.
Những đứa trẻ lớn lên trong cái vũng lầy tối tăm ấy bị xem là sự đào thải của xã hội tân tiến. Có gì lạ đâu khi chén cơm ăn còn không đủ, giọt nước vẫn còn hôi phèn thì cái gọi là tri thức, cái gọi là học vấn trở thành thứ xa xỉ.
Công bằng, ai sẽ cho những đứa trẻ ấy sự công bằng khi mà quyền được lớn, quyền được học hỏi và cả tình yêu thương, những điều vốn dĩ là lẽ hiển nhiên, lại phải kiếm tìm trong sự bao la và tuyệt vọng của trí tưởng tượng.
Một đứa trẻ xứng đáng được nhiều hơn thế. Đó không phải những buổi trưa hè nắng cháy da, bán mặt cho cọc vé số lẻ từng đồng mà chẳng ai ngó ngàng, mà phải là những bữa ăn đủ đầy, những giấc ngủ trưa làm dịu đi sự mệt mỏi để chuẩn bị cho ca học chiều. Đó không phải là những buổi tối thức đến khi trăng tàn chỉ vì miếng ăn, vì nỗi lo bị xua đuổi, mà phải là những giấc ngủ yên bình, dù chỉ vài tiếng, để bản thân được vơi đi cơ cực.
“Cái chết có lẽ… cũng không tăm tối đến thế.”
Con người thường cảm thấy sợ hãi trước vòng luân hồi sinh tử. Họ khóc lóc van xin được sống, quỳ lạy bất kỳ đấng tối cao nào để có thêm vài giây ngắn ngủi tồn tại, để được ngắm nhìn bầu trời trong xanh, cảm nhận làn gió nhẹ mà kiếp sống vô thường ban cho họ.
Vậy còn những kẻ xem nhẹ cái chết thì sao? Họ ao ước được chết, được hóa thành tro bụi để bị giẫm đạp, để gió cuốn đi thật xa, nơi không còn khổ đau. Họ mong mỏi được sinh ra lần nữa, ở một cuộc đời khác, một kiếp người ít khốn khổ hơn.
Phải đau đớn, khổ sở đến nhường nào để một đứa trẻ ở tuổi đèn sách mang trong mình những suy nghĩ nặng nề ấy. Có lẽ những vết chai sần trong tâm hồn là thứ chỉ người mang nó mới thấy, mới hiểu, mới cảm nhận được nỗi đau mà nó gây ra. Phải tuyệt vọng đến đâu để một tâm hồn trẻ thơ trở nên già cỗi, và phải xót xa đến nhường nào để tìm đến cái chết như một cách kết thúc vòng lặp tàn nhẫn ấy.